Banner 5 Banner 3

CẦN LÝ GIẢI HỢP LÝ HƠN VỀ THUẾ MÔI TRƯỜNG

(TBKTSG) - Nhắm vào túi tiền người sử dụng mà đánh thuế là biện pháp thường được các chính phủ dùng để hạn chế việc tiêu thụ một loại hàng hóa cho một mục đích nào đó, bảo vệ môi trường chẳng hạn. Hiện nay, có lẽ chuyện nóng nhất trong vấn đề này là đề nghị tăng thuế môi trường đánh lên xăng dầu mà mức cao nhất lên đến phân nửa giá bán một lít xăng hiện hành. Bài viết này cũng bàn chuyện tăng thuế bảo vệ môi trường, nhưng áp dụng cho một mặt hàng khác: túi nylon.

Chiếc túi này đã trở nên quá sức phổ biến trong đời sống của người Việt. Chỉ tại TPHCM, số liệu từ ba năm trước cho thấy mỗi ngày thành phố này sử dụng 9 triệu túi nylon, nghĩa là cứ mỗi người - bất kể già, trẻ, bé, lớn - xem như sẽ vứt một chiếc túi sau 24 giờ đồng hồ. Chúng phổ biến một phần vì giá quá rẻ nên được sử dụng vô tội vạ - mua một món hàng, được “khuyến mãi” hai túi là chuyện bình thường. Vì vậy tăng giá túi nylon thông qua tăng thuế có thể là một biện pháp hữu hiệu nhằm hạn chế việc sử dụng.
  

Tuy nhiên nhìn vào thực tế, dù biết loại túi này làm hại môi trường, cũng không thể phủ nhận được sự cần thiết của chúng trong đời sống hàng ngày của người Việt. Vì thế, vấn đề ở đây phần nào đó tương tự như chuyện hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Muốn giảm xe cá nhân khả thi, phải có cái khác thay thế, như các phương tiện giao thông công cộng chẳng hạn. Tương tự, muốn giảm túi nylon, cần có thứ khác thế nó.

 

Cũng không thể phủ nhận rằng lâu nay, các cơ quan chức năng thường chỉ chú trọng đến phần dễ nhất trong những chuyện tương tự, đó là hạn chế tiêu thụ bằng cách tăng thuế - mà chưa chú ý đến các biện pháp khác. Để hạn chế túi nylon, nhất thiết phải hình thành thói quen nơi người tiêu dùng. Hãy nhìn cách các quốc gia phát triển chống túi nylon. Nhiều nước cấm tiệt chúng và người dân cũng dần hình thành thói quen thủ sẵn những chiếc túi sử dụng được nhiều lần khi đi mua sắm. Đây là thói quen khó tập, nhưng có thể hình thành dần dần bằng sự kiên trì.

 

Đi theo xu hướng chung của thế giới nhưng cũng đừng ảo tưởng rằng chúng ta có thể làm túi nylon nhanh chóng biến mất. Sự tiện dụng sẽ còn làm chúng tồn tại rất lâu. Thực tế hơn, cần nghĩ đến những chiếc túi tự phân hủy. Cách đây ba năm, TPHCM có 11 doanh nghiệp sản xuất loại túi này. Khi ấy, họ đã kiến nghị phải thu thuế đầy đủ túi nylon không tự hủy để sản phẩm của họ có thể cạnh tranh được. Không biết các nhà sản xuất này làm ăn ra sao trong ba năm qua. Tuy nhiên, nhìn vào số liệu thuế môi trường thu được từ túi nylon không tự hủy qua các năm sẽ cảm thấy ái ngại. Theo Bộ Tài chính, số thuế thu được giảm mạnh qua từng năm tính từ ngày loại thuế này được áp dụng năm 2012 - năm đầu tiên là 827 tỉ đồng; năm 2013: 168 tỉ đồng; năm 2014: 71 tỉ đồng; năm 2015: 69 tỉ đồng; năm 2016: 56 tỉ đồng. Thực thu giảm cho thấy một mặt khác của thực trạng này. Phải chăng giá trị thu thuế túi nylon quá nhỏ so với các loại hàng hóa khác nên cơ quan hành thu chểnh mảng?

 

Bộ Tài chính mới đây đã đề nghị tăng thuế bảo vệ môi trường đối với túi nylon từ 30.000-50.000 đồng/ki lô gam lên 40.000-200.000 đồng/ki lô gam. Dự kiến đề nghị này sẽ trình Chính phủ trong tháng 6 này trước khi Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10.

 

Nếu chuyện tăng thuế được thông qua, xin lưu ý hai điều. Thứ nhất, hành thu phải thật hữu hiệu, tránh vết xe đổ của năm năm qua. Không lẽ chỉ có thuế môi trường có số thu thật lớn, như xăng dầu chẳng hạn, mới đáng bỏ công thu đủ? Thứ hai, số thu cần phải được sử dụng nhiều hơn cho mục đích bảo vệ môi trường, thậm chí có thể dùng để khuyến khích sản xuất túi tự hủy. Nhất thiết không nên như cách lý giải tăng thuế môi trường đánh lên xăng dầu, khi cơ quan chức năng chỉ giải thích đơn giản rằng tăng thuế này cũng nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách. E rằng người dân đóng thuế khó lòng chấp nhận cách giải thích này.

 

Sơn Tùng-TBKTSG Online 06/2017